Không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà vài năm gần đây Đà Lạt còn là nơi khởi nghiệp được ưa thích của rất nhiều người. Thực tế, các homestay, quán cafe hay việc có đất đai, khí hậu thích hợp để làm nông nghiệp đã giúp không ít người nhận được quả ngọt khi bén duyên với thành phố này.
Tuy vậy, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngành du lịch và các điểm du lịch đều chịu nhiều tổn thất. Đà Lạt không ngoại lệ. Việc ít du khách ghé đến, các cửa hàng phải tạm đóng cửa để đối phó với dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của nhiều người. Trước tình hình ấy, hãy xem các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở Đà Lạt giải bài toán kinh tế thế nào nhé!
Phan Tuấn Anh - Thợ ảnh chuyển hướng bán đồ decor nhà cửa
Phan Tuấn Anh là chủ của Hipster studio với phong cách chụp thiên về cảm xúc tự nhiên được rất nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, khi rất nhiều ngành nghề phải đóng cửa, Tuấn Anh cũng ở nhà tránh dịch.
Điều mình lo lắng nhất là sợ dịch bệnh kéo dài việc cầm cự sẽ khó khăn. Tiền thuê nhà đang tầm mấy chục triệu/tháng dù có được hỗ trợ xíu thì cũng không đáng kể. Nhân viên thì tạm thời nghỉ nhưng với số tiền thuê nhà đó mình cũng đã phải tiêu vào tiền tích trữ rồi. Tinh thần bây giờ là chống đỡ được đến đâu thì đến.
Hiện mình có túc tắc bán ve chai online (đồ cũ decor nhà cửa) vì trước đây mình có thú vui sưu tầm những món đồ cũ kiểu vintage đáng yêu này. Còn bản thân mình cũng tranh thủ thời gian này để học online thêm 1 số thứ mà bản thân còn thiếu hụt về kỹ năng mà trước đây chưa có thời gian thực hiện.
Nguyễn Triều - Chủ homestay sửa sang nhà vườn, trồng rau nuôi cá chờ hết dịch “tung chiêu”
Thung Lũng Sunview Homestay của Nguyễn Triều mới đi vào hoạt động từ đầu năm, đúng dịp dịch bùng phát vì thế chưa bắt đầu đã gặp chướng ngại vật. Tuy nhiên với Triều, đó là khó khăn chung và cậu phải chấp nhận.
Khó khăn lớn nhất của Triều bây giờ là vốn vì nhà mới xây dựng và khi hoàn thành thì lại rơi vào mùa dịch nên đóng băng luôn, nguồn vào không có.
“Giải pháp của mình cũng như tất cả mọi người là cách ly 15 ngày như quy định của Thủ Tướng, tạm ngưng mọi thứ. Và chắc chắn phần chi tiêu cũng sẽ phải tính toán sao cho hợp lý hơn xưa rất nhiều.
Mình giờ tận dụng nguồn lực của gia đình để làm tiếp những công trình trong dự tính hoặc đang dang dở như: trồng rau nuôi cá… Mình sẽ chuẩn bị các công tác chuẩn bị thật tốt để sau này hết dịch sẽ tung chiêu với sự ra mắt trở lại”.
Thuận và Diễm - Chủ quán cafe và homestay nhận việc nghề tay trái để nuôi “đứa con tinh thần”
Sở hữu quán Still cafe và homestay Đợi Một Người vốn có lượng khách ổn định vì bắt đúng trend của giới trẻ nên trước đây homestay của Thuận và Diễm thường cháy phòng, cafe thì luôn đông khách, nhưng giờ phải đóng cửa tất cả vì dịch bệnh.
“Giai đoạn này thật sự là vô cùng khó khăn với chúng mình khi mọi nguồn thu nhập đều bị ngừng lại, tình hình kinh doanh thật sự là đang khá lo ngại, không chỉ riêng chúng mình mà còn là đối với các homestay khác.
Tuy nhiên, trong thời gian này chúng mình sẽ dành thời gian này để nhìn lại và trau dồi thêm cho bản thân ở nhiều góc độ khác nhau để thay đổi mình ngày càng tốt hơn ví dụ như: Nghiệp vụ của nhân viên, nâng cấp hệ thống và quy trình làm việc sao cho hợp lý hơn, cảnh quan của homestay cũng sẽ được cải tạo, và các hiện trạng phòng hư hỏng để tranh thủ sửa chữa hoàn thiện trong thời gian này”.
Áp lực lớn nhất đối với những người làm dịch vụ lưu trú homestay tại Đà Lạt đó chính là chi phí thuê mặt bằng cao, việc thương lượng được với chủ cho thuê dời thời gian đóng tiền mới thậm chí gia hạn thêm thời gian thuê cũng là một cứu cánh trong lúc này.
“Sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, có các cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, homestay nói riêng để chúng mình có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này thật đáng quý. Một ví dụ điển hình đó là giai đoạn này chúng mình được miễn giảm các loại thuế, và việc kê khai với cơ quan thuế cũng được diễn ra khá nhanh gọn”.
Cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối ưu nhất cũng là một giải pháp nên làm bởi nó khá hiệu quả không chỉ trong mùa dịch mà còn là lúc Thuận và Diễm cần nhìn lại xem những chi phí nào chưa thực sự đáng có, khâu nào chưa cần thiết?
Trong trường hợp phải đóng cửa hoàn toàn hoặc kéo dài Thuận và Diễm có thể tận dụng quỹ đất trống hiện có để trồng những loại cây hoa màu ngắn hạn có thể cung cấp thực phẩm nông sản trước tiên là cho nhu cầu sử dụng của bản thân họ sau là cho bạn bè người thân, những người cần....
Thuận và Diễm cũng cũng có nhận một số dự án tư vấn thiết kế, thi công cho một vài đơn vị đang có nhu cầu, tạo nguồn thu ngoài để duy trì cho homestay và cafe cũng như cuộc sống của mình.
Ca sĩ Thu Minh Đà Lạt: Dành thời gian tập trung cho bản thân như thu âm ca khúc, làm vườn...
Thu Minh là một ca sĩ, đồng thời cũng là chủ quán Cafe guitar mộc Căn nhà xưa ở Đà Lạt. Khó khăn chung ở mọi nơi hiện nay là hầu như các dịch vụ du lịch tê liệt, ngưng hoạt động dẫn tới không có thu nhập, bản thân Thu Minh không ngoại lệ.
“Bản thân mình đứng đầu band nhạc, chủ quán thì phải gánh vác một số chi tiêu tài chính như tiền thuê mặt bằng. Các chi phí cho cá nhân, gia đình cũng luôn ở đó.
Nếu như tình trạng lâu hơn vài ba tháng thì tôi nghĩ khó có thể cầm cự được. Hiện tôi cũng có nghĩ đến một số giải pháp nhưng chưa khả thi vào lúc này nên vẫn phải ngồi yên”.
Dù khó khăn về kinh tế, nhưng về khía cạnh cá nhân, Thu Minh thấy đây là một dịp có thời gian hầu như hoàn toàn cho bản thân nghỉ ngơi, suy ngẫm, lắng nghe, những gì chúng ta đang trải qua, quan tâm tới sức khỏe, tập thể dục, lắng nghe mong muốn cảm xúc bản thân.
“Đây là thời gian mình được tập trung nhiều nhất cho bản thân trong nhiều năm qua. Thu âm một số các ca khúc trước đây chưa kịp làm, đọc những cuốn sách trước đây mình chưa kịp đọc, nấu cho gia đình những bữa ăn trước đây mình ít có thời gian để làm. Mình cũng sẽ cải tạo lại vườn tược trong nhà và trồng thêm một ít rau và hoa”.
Cặp vợ chồng giáo viên Xuân và Toản: Bán online rau organic Đà Lạt về Sài Gòn, làm youtuber
Từ lúc bắt đầu lên Đà Lạt định cư, Xuân và Toản đã nhen nhóm ý định sẽ bán rau organic và làm Youtube dù trước đây ở Sài Gòn 2 vợ chồng làm về giáo dục. Khi lên Đà Lạt họ đã bắt tay vào làm Youtube ngay.
Nhưng rau organic có nhiều khó khăn và kỳ công riêng trong chuyện tìm kiếm nguồn rau, vùng trồng nên họ mất đến 1,5 năm để kiếm tìm nguồn rau và mãi đến cách đây hơn 1 tháng mới tìm được nguồn rau như ý.
Vào thời điểm dịch bệnh, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cặp đôi vẫn tiếp tục kinh doanh rau sạch “để mình có thể góp 1 tí xíu công sức cung cấp rau organic cho bà con Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog chống dịch”.
Nhưng tất nhiên họ thận trọng hơn nhiều “Bán rau thời điểm này cũng đủ thứ lo, từ lây bệnh khi đi đóng rau, lo có nhà xe nào vận chuyển không? Thậm chí ngay việc đi đóng rau cũng mất rất nhiều thời gian khi lần đầu đóng rau, họ mất tới 5 tiếng đồng hồ để cân và chuẩn bị 80 ký rau sạch".
Hiện tại, cặp vợ chồng giáo viên cho biết, hàng tuần họ dành ra 2 ngày để đi đóng rau organic cho mọi người đặt hàng. Họ cũng không nghĩ quá nhiều về lời lãi giai đoạn này nên còn tặng thêm rau cho khách hàng, qua dịch rồi tính tiếp.
Song song với đó, Xuân và Toản vẫn bắt tay vào làm khu vườn của mình cho nó xanh tươi. Rồi tiếp tục làm Youtube nghiên cứu món này món kia nấu để góp ít công sức lan tỏa thông điệp nhà nhà, người người đều dùng rau organic. Riêng Xuân vẫn dạy học online và quay video dạy học trên youtube mỗi ngày.
Võ Thành Luân: Tập trung kinh doanh online, phát triển sản phẩm mới phục vụ mùa dịch
Nhà của thời thanh xuân là một chuỗi quán cafe ở Đà Lạt, Sài Gòn và Hội An. Nhà cũng có một xưởng xà bông Thanh Xuân để sản xuất xà bông và cung cấp tinh dầu trực tiếp. Nhân sự tham gia cùng làm việc là người Nói và người Điếc.
Hiện tại, vì dịch bệnh nên Nhà của thời thanh xuân đã đóng cửa tất cả các quán trà/cafe và các địa điểm bán hàng. Đồng thời, như Luân chia sẻ, Nhà phải cắt giảm 1 số nhân sự Nói, cho toàn bộ nhân sự Điếc về quê tránh dịch vì các bạn là người khuyết tật, sức đề kháng sẽ yếu hơn, nguy hiểm cho các bạn hơn. Nhà cũng cắt một số mặt bằng, tối ưu khuôn viên sản xuất, đóng gói, và cả làm việc văn phòng tại 1 địa điểm.
Hiện tại Nhà của thời thanh xuân đang Tập trung kinh doanh online, phát triển 1 số sản phẩm mới phục vụ cho mùa dịch (nước rửa tay, gel rửa tay khô, nước lau sàn diệt khuẩn tự nhiên…).
Chạy các chiến dịch trách nhiệm xã hội, tiêu biểu như chiến dịch Đồng hành cùng Đà Lạt, Đồng hành cùng Hội An, cụ thể như lập các điểm rửa tay miễn phí, phát xà phòng miễn phí để kêu gọi mọi người rửa tay phòng dịch.
Nhờ sự xoay chuyển hình thức kinh doanh và thu gọn bộ máy vận hành ở Nhà nên tình hình tài chính chưa rơi xuống mức nguy hiểm. Đánh giá bước đầu hoạt động kinh doanh online hoạt động hiệu quả, nhờ có những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhìn chung đã tìm ra hướng tạm ổn và có hướng đi để vượt qua mùa dịch.
Hiện tại Nhà mong mùa dịch sớm qua, để dự án được quay về, quán trà lại mở, trẻ Điếc lại có nơi làm việc và những câu chuyện về thanh xuân lại được tiếp tục.
***
Dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống bị xáo trộn, nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp, gia đình nói riêng bị ảnh hưởng. Nhưng bình tĩnh tìm cách khắc phục và tìm giải pháp là điều quan trọng trong lúc này. Và trước khi chờ ai đó tới cứu mình hãy “tự giải cứu” như cách người Đà Lạt đang làm nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét